Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em là như thế nào?
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa lâm sàng
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính do siêu vi của các phế quản cỡ nhỏ và trung bình, xảy ra ở trẻ < 2 tuổi, đặc trưng bởi hội chứng lâm sàng bao gồm ho, khò khè, thở nhanh ± co lõm lồng ngực.
2. Nguyên nhân
• RSV: hàng đầu (50 -75%), còn có khả năng lây lan rất cao, có thể gây thành dịch lớn hoặc gây VTPQ mắc phải tại bệnh viện.
• Adenovirus (10%) (type 3, 7, 21): thường có bệnh cảnh nặng hơn, có khả năng diễn tiến thành VTPQ tắc nghẽn (obliterative bronchiolitis).
• Các nguyên nhân khác: parainfluenza, influenza virus, human metapneumovirus, mycoplasma…
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
• Bệnh sử: khởi phát từ từ với sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở (thường N3 – N4).
• Tiền căn: khò khè (nếu có, cần phân biệt với suyễn).
• Yếu tố nguy cơ:
– Tuổi < 3 tháng.
– Tiền sử sanh non, nhẹ cân, suy hô hấp sơ sinh (đặc biệt khi phải giúp thở).
– Bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt tim bẩm sinh tím, có cao áp phổi.
– Bệnh phổi mạn tính sẵn có: loạn sản phế quản-phổi, thiểu sản phổi,…
– Suy dinh dưỡng nặng.
– Suy giảm miễn dịch: bẩm sinh, mắc phải.
b. Khám lâm sàng
• Dấu hiệu sinh tồn.
• Dấu hiệu nguy hiểm (xem phác đồ Viêm phổi).
• Dấu hiệu hô hấp: nhịp thở, dấu co lõm ngực, khò khè.
Ran phổi: ran ngáy, rít (còn có thể có ran ẩm, nổ).
c. Đề nghị xét nghiệm cận lâm sàng
• Xét nghiệm thường qui (trong trường hợp nhập viện):
– Công thức máu.
– X-quang tim phổi thẳng.
• Khí máu động mạch: khi có suy hô hấp cần thở NCPAP hay giúp thở, hoặc khi có chỉ định vì lý do khác.
• Xét nghiệm dịch mũi hầu tìm kháng thể RSV bằng test ELISA: không chỉ định đại trà.
2. Chẩn đoán: chủ yếu vẫn là chẩn đoán lâm sàng.
• Gợi ý bởi: Tuổi < 24 tháng.
– Biểu hiện lâm sàng: ho, khò khè, thở nhanh ± co lõm ngực.
– Yếu tố dịch tễ: thành dịch, mùa mưa, mùa lạnh.
• Các xét nghiệm cận lâm sàng (CTM, X-quang phổi, XN siêu vi,…) không đặc hiệu cho chẩn đoán. X-quang phổi: các thay đổi không đặc hiệu. Thường thấy hình ảnh ứ khí phế nang (thường khu trú ở đáy phổi), có thể gặp hình ảnh xẹp phổi (thường ở phân thùy đỉnh/thùy trên P). X-quang cũng có thể bình thường.
• Phân độ viêm tiểu phế quản.
– Viêm tiểu phế quản nhẹ:
+ Tỉnh táo, bú tốt.
+ Nhịp thở < 50 lần/phút.
+ SpO2 > 95% với khí trời.
+ Không có các yếu tố nguy cơ.
– Viêm tiểu phế quản trung bình:
+ Tỉnh táo, bú kém.
+ Co lõm ngực.
+ Nhịp thở 50 – 70 lần/phút.
+ SpO2 92- 95% với khí trời.
– Viêm tiểu phế quản nặng:
+ Bứt rứt, kích thích, li bì, rối loạn tri giác.
+ Bỏ bú (bú < 50% lượng sữa bình thường).
+ Thở nhanh > 70 lần/phút.
+ Thở không đều (có cơn ngừng thở), thường ở trẻ < 3th.
+ Tím.
+ Rên rỉ.
+ Co lõm ngực nặng.
+ SpO2 < 92% với khí trời.
3. Chẩn đoán phân biệt
• Suyễn: có tiền căn khò khè và đáp ứng tốt với khí dung Salbutamol. Tuy nhiên ở trẻ trên 18 tháng cần nghĩ đến suyễn dù là cơn đầu.
• Viêm phổi.
• Ho gà: cần lưu ý là trẻ < 3 tháng khi bị VTPQ có thể có biểu hiện ho dạng ho gà.
• Suy tim.
• Dị vật đường thở.
• Các nguyên nhân khò khè hiếm gặp khác (mềm sụn phế quản, vòng nhẫn mạch máu, các bệnh lý bẩm sinh khác): chỉ nghĩ đến khi có dấu hiệu gợi ý hoặc diễn tiến không điển hình.
|