TÌM HIỂU BỆNH ALZHEIMER (Alzheimer’s Disease)
-
Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là một loại bệnh gây ra sự thoái hóa toàn bộ não bộ và không thể phục hồi. Các tế bào thần kinh ở võ não cùng với các cấu trúc xung quanh nó bị tổn thương dần dần làm giảm khả năng phối hợp vận động, rối loạn cảm giác cuối cùng gây ra tình trạng mất trí nhớ cho người bệnh:
- Khiến cho dòng ý tưởng, cảm xúc và trí nhớ của người bệnh ngày càng rối loạn, chậm dần và ngừng hẳn.
- Bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi, xuất hiện tản phát ở người dưới 50 tuổi và trong gia đình ở người dưới 60 tuổi.
- Đặc điểm là bao giờ bệnh nhân cũng bị mất trí nhớ tiến triển chậm còn các lĩnh vực nhận thức khác cũng bị suy giảm sau nhiều năm. Sau khi bị mất trí nhớ, bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn ngôn ngữ, thị giác không gian và chức năng thực hiện.
Điều trị bệnh alzheimer là một điều trị kiên trì và lâu dài: ngoài điều trị bằng thuốc thì cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt ăn uống thay đổi các thói quen xấu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở giai đoạn trung gian và giai đoạn sau thường kết hợp điều trị cả đông và tây y.
2. Nguyên nhân Alzheimer
2.1 Do yếu tố di truyền:
Nếu 1 người bị bệnh Alzheimer thì gần 50% số người có quan hệ huyết thống cấp I của bệnh nhân cũng sẽ bị bệnh.
2.2. Do các quá trình thần kinh:
Bệnh Alzheimer là do sự thoái hoá sớm các hệ thống não:
- Sự thoái hoá mang tính tiến triển và quá trình Alzheimer có thể được đánh dấu trên bản đồ não.
- Thông thường các vấn đề khởi đầu từ vỏ phía trong sau đó lan sang hồi cá ngựa và lan dần sang các vùng khác, cụ thể là lên vỏ não.
- Do các nơron vùng cá ngựa bị thoái hoá nên nó kéo theo sự suy giảm trí nhớ ngắn hạn và khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Khi bệnh lan truyền đến vỏ não, nó bắt đầu ảnh hưởng đến ngôn ngữ.
Một trong những chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong Alzheimer chính là acetylcholine: Ở người bệnh Alzheimer, acetylcholine giảm đến 90% . Acetylcholine tham gia vào quá trình trí nhớ và ảnh hưởng đến hoạt động của nơron của hồi cá ngựa và vỏ não, các chất dẫn truyền thần kinh khác cũng có thể tham gia vào quá trình này.
Ở một số người bệnh Alzheimer, nồng độ serotonin và noradrenalin thấp hơn bình thường, do vậy chúng cũng có thể góp phần vào các rối loạn giác quan và hành vi xâm kích. Các hormon này cũng có thể liên quan đến những rối loạn tâm lí khác trong những kỳ đầu của Alzheimer như trầm cảm và lo âu.
2.3. Do các yếu tố môi trường:
- Một trong những yếu tố nguy cơ khá rõ chính là vết thương não trong tiền sử.
- Do ăn uống, bổ sung dinh dưỡng không hợp lý, bổ sung thiếu vitamin nhóm B.
- Cuộc sống bế tắc, stresss khiến bệnh nhân trầm cảm, không gặp bác sỹ tâm lý chữa kịp thời bệnh trầm cảm.
3. Phân loại:
Có thể chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn sớm: bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trầm cảm hoang tưởng bị hại, nhưng đôi khi cũng có ảo thị giác với các hình ảnh kỳ quái.
- Giai đoạn trung gian: người mắc bệnh thường gặp khó khăn khi nói vì quên những từ ngữ thông thường, thay đổi tính cách, quên những động tác sinh hoạt cá nhân, mất định hướng về thời gian và không gian.
- Giai đoạn nặng hơn: chứng quên rất trầm trọng bệnh nhân mất toàn bộ khả năng sinh hoạt thường ngày và phải sống lệ thuộc vào người thân do không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân.
4.Chẩn đoán theo tây y.
4.1. Chẩn đoán chung
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Alzheimer bao gồm (DSM-IV, 1994):
- Khiếm khuyết trí nhớ (tiếp thu hoặc nhắc nhở).
- Có một hoặc nhiều hơn: Mất ngôn ngữ (aphasia) / mất sử dụng (động tác thực tế) (apraxia)/ mất nhận biết (agnosia)/ rối loạn chức năng thực hiện (lập kế hoạch, tổ chức, lập trình, trừu tượng hóa).
- Suy giảm nhận thức ở mức đủ nặng ảnh hưởng tới hoạt động xã hội hoặc nghiệp vụ và thể hiện có biến đổi so với trước.
- Diễn biến lâm sàng có khởi phát từng bước và suy thoái tiến triển.
- Không do mê sảng.
- Không giải thích được do hệ thần kinh trung ương, ví dụ tai biến mạch não, bệnh Parkinson.
4.2. Triệu chứng lâm sàng
- Quên tên: lãng quên tên (tên bố, mẹ, vợ, con…) lặp đi, lặp lại nhiều lần trong ngày. Cuối cùng là quên tên của mình.
- Hay ghi chép lặt vặt (tạo tiền đề để nhớ).
- Tìm mọi cách để phủ nhận những sa sút trí nhớ của mình.
- Gọi điện cho người thân nhiều lần (gọi xong lại quên, gọi lại).
- Lẫn lộn các đồ vật, nhầm ngày, tháng, năm.
4.3. Các triệu chứng toàn phát.
- Mất trí nhớ: là triệu chứng đầu tiên và xuất hiện rất sớm, ngày càng nặng và không hồi phục. Bệnh nhân thường mất trí nhớ gần (quên những sự vật mới xảy ra). Dần dần họ quên ngày, tháng, quên tên vợ con của mình. Khi ra khỏi nhà thì quên đường về, quên rửa mặt, quên cài cúc áo, quên mặt vợ (hoặc chồng) của mình.
- Rối loạn ngôn ngữ: Biểu hiện sớm và khó tìm từ để biểu hiện ý tưởng. Họ khó phát âm, nói không trôi chảy sau đó mất ngôn ngữ, nói xong nhưng không hiểu mình vừa nói gì.
- Rối loạn phối hợp động tác: bệnh nhân không chú ý đến trang phục, mặc quần áo rất khó khăn, khó thực hiện được công việc hàng ngày. Bệnh nhân yếu cơ, run, hay bị chuột rút vì vậy ảnh hưởng đến các công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa, thay quần áo…
- Rối loạn chức năng nhận thức: Vì rối loạn trí nhớ và chú ý dẫn đến rối loạn khả năng nhận thức. Người bệnh có rối loạn khả năng định hướng không gian, thời gian, mất khả năng tính toán đơn giản, mất khả năng đánh giá… Trầm cảm thường xuất hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên các triệu chứng trầm cảm là không ổn định. Có lúc bệnh nhân có ý định tự sát, nhưng sau đó lại xuất hiện khoái cảm. Thường gặp là hoang tưởng bị hại, nhưng đôi khi cũng có ảo thị giác với các hình ảnh kỳ quái. Hình ảnh chụp cắt lớp (CT Scanner) não và chụp cộng hưởng từ (MRI) não có hình ảnh teo não lan toả, giãn rộng các não thất.
5. Xét nghiệm lâm sàng
- Cần làm các xét nghiệm cơ bản thường quy về huyết học (công thức máu; tốc độ máu lắng…), sinh hóa (máu, nước tiểu), vi sinh y học (chú ý phản ứng viêm gan, giang mai, HIV…). Cần chú ý tới nồng độ vitamin B12, chức năng tuyến giáp, nồng độ một số thuốc trong cơ thể.
- Thăm dò chức năng: ghi điện tim, ghi điện não ….
- Hình ảnh học: Siêu âm Doppler, siêu âm xuyên sọ, chụp X quang quy ước ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu não (CLVT, CHT, số hóa xóa nền), chụp CLVT phát điện tử dương (PET), chụp CLVT phát photon đơn (SPECT).
- Xét nghiệm dịch não-tủy.
- Xét nghiệm dấu ấn sinh học.
- Xét nghiệm dịch não-tủy và huyết thanh, đo nồng độ bêta-amyloid 1-40 và bêta-amyloid 1-42, Lejla K và cs (2010) thấy:.
- Nồng độ bêta-amyloid 1-42 giảm thấp ngay từ giai đoạn tiền lâm sàng không phụ thuộc tuổi, giới, thời gian mắc bệnh.
- Tỷ lệ bêta-amyloid 1-42/bêta-amyloid 1-40 giảm không phụ thuộc vào tuổi và giới.
6. Chẩn đoán phân biệt.
6.1. Sa sút trí tuệ thể Lewy:
- Bệnh cảnh lâm sàng giống bệnh Alzheimer nhưng thường có đặc điểm là triệu chứng Parkinson xuất hiện sớm và nổi bật hơn;
- Chức năng nhận thức dao động, có ảo thị và có xu hướng tiến triển nhanh hơn.
- Các triệu chứng nhận thức khởi phát liên quan với vận động chậm chạp dưới một năm.
- Đặc biệt bệnh nhân thường nhậy cảm với tác động ngoại tháp của các thuốc điều trị loạn thần.
6.2. Sa sút trí tuệ trán – thái dương:
- Bệnh này thường xảy ra ở độ tuổi 50-60.
- Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có biến đổi nhân cách, suy thoái kỹ năng xã hội, cảm xúc kém nhậy và có rối loạn ngôn ngữ.
- Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng khác của sa sút xuất hiện tiếp theo rối loạn trí nhớ. Cần chú ý là bệnh thường tiến triển nặng và có xu hướng nhanh hơn bệnh Alzheimer.
7. Dự phòng
- Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ, mọi người nên thường xuyên hoạt động trí não như đọc báo, nghe nhạc, tham gia các buổi sinh hoạt, kể lại câu chuyện vừa đọc hay một bộ phim vừa xem xong; Luyện tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, đều đặn.
- Duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau, củ, hạn chế ăn chất béo, chất ngọt và các đồ uống kích thích như rượu, bia…
- Nghỉ ngơi: Mỗi đêm ngủ đều đặn khoảng 8 giờ.
- Tâm lý: Khi có kích lực (stress), cơ thể con người tiết ra cortizon; lượng nhỏ cortizon cải thiện trí nhớ còn lượng lớn sẽ xóa mòn hoạt động của tế bào thần kinh ở hải mã.
- Ngoài ra cần quan tâm tới 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh Alzheimer (theo Hiệp hội bệnh Alzheimer Hoa Kỳ).
– Mất trí nhớ ảnh hưởng tới kỹ năng nghiệp vụ.
– Khó thực hiện công việc trong gia đình.
– Khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ.
– Sai lạc định hướng thời gian và vị trí.
– Suy giảm phán đoán.
– Khó khăn trong suy nghĩ trừu tượng.
– Để đồ vật không đúng chỗ.
– Có biến đổi khí sắc hoặc ứng xử.
– Nhân cách biến đổi.
– Mất năng lực chủ động.
DƯỢC PHẨM QUỐC TẾ HLI – THỰC TÂM, DƯỢC CHUẨN. Hotline – Zalo – Viber: 0968.556.133. Email: HLIpharma.info@gmail.com. PTCM: Chuyên gia, Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Liễu |