Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
1. Phát hiện các dấu hiệu của đợt cấp BPTNMT tại y tế cơ sở (xã/phường, huyện)
Bệnh nhân đã được chẩn đoán BPTNMT xuất hiện các triệu chứng nặng hơn thường ngày, hoặc các trường hợp tuổi trung niên chưa có chẩn đoán, nhưng xuất hiện các triệu chứng:
− Triệu chứng hô hấp:
- + Ho tăng.
- + Khó thở tăng.
- + Khạc đờm tăng và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm: đờm chuyển thành đờm mủ.
- + Nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể thấy ran rít, ngáy, ran ẩm, ran nổ.
− Các biểu hiện khác có thể có hoặc không có tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh:
- + Tim mạch: nặng ngực, nhịp nhanh, loạn nhịp. Các dấu hiệu của tâm phế mạn (phù, tĩnh mạch cổ nổi, gan to…).
- + Triệu chứng toàn thân có thể có: sốt, rối loạn tri giác, trầm cảm, mất ngủ, giảm khả năng gắng sức…
- + Trường hợp nặng có dấu hiệu suy hô hấp cấp: thở nhanh nông hoặc thở chậm, tím môi đầu chi, nói ngắt quãng, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi…
2. Các thăm dò chẩn đoán cho đợt cấp BPTNMT tại bệnh viện
Với các dấu hiệu lâm sàng như đã mô tả ở trên, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị:
Bảng 3.1. Giá trị chẩn đoán của các thăm dò trong đánh giá đợt cấp BPTNMT
3. Chẩn đoán xác định đợt cấp BPTNMT
Bệnh nhân đã được chẩn đoán BPTNMT và có triệu chứng đợt cấp theo tiêu chuẩn Anthonisen (1987):
− Khó thở tăng.
− Khạc đờm tăng.
− Thay đổi màu sắc của đờm, đờm chuyển thành đờm mủ.
4. Đánh giá mức độ nặng và các yếu tố nguy cơ của bệnh
Đánh giá mức độ nặng đợt cấp BPTNMT theo triệu chứng
Bảng 3.2. Đánh giá mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT
Chú ý: có từ ≥ 2 tiêu chuẩn của một mức độ thì được đánh giá ở mức độ đó. Phân loại mức độ nặng theo tiêu chuẩn Anthonisen:
− Mức độ nặng: khó thở tăng, số lượng đờm tăng và đờm chuyển thành đờm mủ.
− Mức độ trung bình: có 2 trong số 3 triệu chứng của mức độ nặng.
− Mức độ nhẹ: có 1 trong số triệu chứng của mức độ nặng và có các triệu chứng khác: ho, tiếng rít, sốt không vì một nguyên nhân nào khác, có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên 5 ngày trước, nhịp thở, nhịp tim tăng > 20% so với ban đầu.
Đánh giá tình trạng suy hô hấp
− Không suy hô hấp: nhịp thở 20 – 30 lần/phút; không co kéo cơ hô hấp phụ; không rối loạn ý thức; tình trạng oxy hoá máu được cải thiện khi được thở oxy với FiO2: 28 – 35%; không tăng PaCO2.
− Suy hô hấp cấp – Không có dấu hiệu đe doạ tính mạng: nhịp thở > 30 lần/phút; co kéo cơ hô hấp; không rối loạn ý thức; tình trạng giảm oxy máu cải thiện khi thở oxy với FiO2: 35 – 40%; PaCO2: 50 – 60mmHg;
− Suy hô hấp cấp – Có dấu hiệu đe doạ tính mạng: nhịp thở > 30 lần/phút; co kéo cơ hô hấp phụ; rối loạn ý thức cấp tính; tình trạng giảm oxy máu cải thiện khi được thở oxy với FiO2 > 40%; PaCO2 > 60mmHg, hoặc có toan hoá máu (pH < 7,25).
Các yếu tố làm tăng mức độ nặng của đợt cấp BPTNMT:
− Rối loạn ý thức.
− Đợt cấp đã thất bại với điều trị ban đầu.
− Có ≥ 3 đợt cấp BPTNMT trong năm trước.
− Đã được chẩn đoán BPTNMT mức độ nặng hoặc rất nặng.
− Đã từng phải đặt ống nội khí quản vì đợt cấp.
− Đã có chỉ định thở oxy dài hạn, thở máy không xâm nhập tại nhà.
− Bệnh mạn tính kèm theo (bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, đái tháo đường, suy thận, suy gan).
− Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≤ 20 kg/m2 .
− Không có trợ giúp của gia đình và xã hội.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm Pseudomonas aeruginosa:
− Có bằng chứng BPTNMT nặng, FEV1 ban đầu < 50%.
− Đã phân lập được Pseudomonas aeruginosa trong đờm từ lần khám, điều trị trước.
− Có giãn phế quản kèm theo.
− Dùng kháng sinh thường xuyên.
− Nhập viện thường xuyên.
− Có dùng thường xuyên corticoid toàn thân.
Trích HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (Bản cập nhật năm 2018).
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến thầy thuốc để được hỗ trợ tư vấn tốt nhất.
|