XỬ TRÍ KHI HEN TRỞ NẶNG VÀ ĐỢT CẤP
- Định
nghĩa đợt cấp hen phế quản
– Đợt cấp hen phế quản là sự xuất hiện nặng lên của các triệu chứng khó thở, ho, khò khè, nặng ngực và giảm CNTK phổi. Đợt cấp có thể xảy ra ở bệnh nhân đã được chẩn đoán hen hoặc đôi khi, như là biểu hiện đầu tiên của hen.
– Đợt cấp thường xảy ra khi phản ứng với phơi nhiễm các yếu tố bên ngoài (ví dụ nhiễm vi rút đường hô hấp trên, phấn hoa hoặc chất ô nhiễm) và/hoặc tuân thủ thuốc kiểm soát kém.
– Đợt cấp có thể xuất hiện ở bất cứ bệnh nhân hen nào, ngay cả khi hen phế quản đã được kiểm soát tốt.
2. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ tử vong có liên quan đến hen
Bệnh nhân có các dấu hiệu sau có thể làm gia tăng nguy cơ tử vong đến hen, và do vậy cần được đánh giá thường xuyên:
– Tiền sử:
+ Đã từng xuất hiện đợt cấp nặng, đe dọa tử vong, cần đặt nội khí quản, thở máy;
+ Nhập viện hoặc thăm khám cấp cứu do hen trong năm qua;
– Thuốc sử dụng:
+ Đang sử dụng hoặc vừa mới ngưng sử dụng corticosteroid uống;
+ Hiện không sử dụng corticosteroid dạng hít;
+ Sử dụng SABA quá mức, nhất là sử dụng hơn một ống salbutamol xịt (hoặc tương đương) mỗi tháng;
– Bệnh đồng mắc:
+ Tiền sử bệnh tâm thần hoặc rối loạn tâm lý – xã hội;
+ Kém tuân thủ điều trị và/ hoặc thiếu bản kế hoạch hành động hen;
+ Bệnh nhân có tiền sử dị ứng thức ăn.
– Không có kế hoạch hành động hen.
3. Chẩn đoán đợt cấp hen phế quản
Đợt cấp hen phế quản biểu hiện một sự thay đổi nặng lên của các triệu chứng và chức năng phổi so với trạng thái thường ngày của bệnh nhân. Giảm lưu lượng thở ra có thể được định lượng bằng lưu lượng thở ra đỉnh (LLĐ) hoặc thể tích thở ra gắng sức 1 giây đầu (FEV1) so với trị số lý thuyết.
Trích HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ HEN PHẾ QUẢN NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM TRÊN 12 TUỔI (Ban hành kèm theo Quyết định số 1851/QĐ-BYT ngày 24 tháng 04 năm 2020).
|