NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH PARKINSON CÓ NẶNG NỀ KHÔNG?
Parkinson là một bệnh thoái hóa tiến triển của hệ thần kinh trung ương, do sự mất đi các noron dopaminergic. Gồm các triệu chứng chính như run, giảm cử động, đơ cứng và rối loạn phản xạ tư thế
1. Dịch tễ học
– Bệnh Parkinson được James Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817. Là một bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý thoái hóa thần kinh, chỉ sau bệnh Alzheimer.
– Tỷ lệ mắc bệnh ở Mỹ là 107-187/100.000, sau 65 tuổi chiếm 34%.
– Ở Tây Âu khoảng 100-200/100.000 dân, còn ở Pháp chiếm 0,4% dân số từ 40 tuổi trở lên và chiếm1,5% dân số từ 65 tuổi trở lên.
– Người ta còn thấy rằng 70% khởi bệnh giữa tuổi 45 và 70. Tuổi khởi bệnh trung bình thường gặp là 55 ± 11, nam ưu thế hơn nữ. Ở nước ta chưa có điều tra dịch tễ về mặt bệnh này.
– Các tác giả cũng cho thấy bệnh lý này ít gặp ở Trung Quốc và ở châu Phi. Song những người gốc Phi hay gốc Trung Quốc ở Mỹ thì cũng có tỷ lệ hiện mắc như dân da trắng thổ địa.
2. Nguyên nhân
- Do giảm sự dẫn truyền dopaminergic bên trong hạch nền.
- Sự ứ đọng các hạt thể vùi giữa các nơron thần kinh thâm nhiễm bạch cầu ái toan (thể Lewy)
- Tổn thương rộng khắp của thân não, khứu giác, đồi thị, và cấu trúc vỏ não giải thích sinh lý cơ bản của các dấu hiệu và triệu chứng không thuộc vận động.
Hơn 75% của hội chứng Parkinson thì ngẫu nhiên và tự phát (bệnh Parkinson).
Dưới 25% hội chứng Parkinson do di truyền hay nguyên nhân khác (như các rối loạn thoái hoá thần kinh khác, bệnh mạch máu não, và do thuốc)
Các đột biến của nhiều gen khác nhau là nguyên nhân của các thể hội chứng Parkinson có tính gia đình (PARK1 đến PARK10), đột biến α-synuclein (PARK1) hay sao chép thêm gen này (PARK4), tất cả là những nguyên nhân về gen.
Sự di truyền có vai trò quan trọng hơn nếu tuổi khởi phát dưới 45 tuổi.
3. Yếu tố nguy cơ
– Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh Parkinson.
– Tiền sử gia đình, những người trong gia đình có người mắc bệnh Parkinson (bố mẹ hay anh chị em ruột) thì ước tính tỉ lệ mắc bệnh thường cao gấp đôi so với những người không có tiền sử gia đình
4. Triệu chứng lâm sàng
+ Run: run khi nghỉ, run có tần số 4 – 7Hz, thấy rõ ở ngọn chi trên. Thường là run khi nghỉ, khi làm động tác hữu ý không run, run có thể tạm mất nhưng sau đó lại tái diễn, khi ngủ hết run, xúc động run tăng.

Run là triệu chứng thường gặp trong bệnh Parkinson
+ Cứng đơ: rõ nhất ở các cơ chống đối với trọng lực. Cứng đơ kèm theo run, khi kiểm tra trương lực cơ sẽ có hiện tượng bánh xe răng cưa gọi là “cứng đơ dạng bánh xe răng cưa”
+ Giảm vận động: các động tác tự nhiên của cơ thể bị suy giảm và chậm chạp. Các động tác hữu ý thiếu sự tự nhiên, bước chân khó khăn, nâng chân khó, cự ly bước chân nhỏ, thành dáng đi vội vàng. Mất vẻ biểu lộ tình cảm, ít chớp, nét mặt như người đeo mặt nạ.
+ Các triệu chứng đi kèm thường có như: rối loạn ngôn ngữ, đờ đẫn, trầm cảm, tăng tiết đờm dãi.

Bệnh nhân thường vận động chậm chạp, khó khăn
5. Biến chứng
– Các biến chứng về vận động
+ Rối loạn vận động: là những cử động mà người bệnh không muốn nó xảy ra. Loại rối loạn này thường xảy ra khi tác dụng của thuốc levodopa đạt đỉnh cao nhất.
+ Rối loạn trương lực cơ
+ Cứng đờ: bao gồm các biểu hiện vận động chậm chạp và nói ngắc ngứ
+ Hay ngã: thường chỉ gặp ở những bệnh nhân Parkinson tiến triển
– Các biến chứng ngoài vận động
+ Suy nhược: là triệu chứng thường gặp ở trên 50% bệnh nhân Parkinson
+ Lo âu và buồn.
+ Rối loạn giấc ngủ: bao gồm từ mất ngủ đến ngủ mê mệt
+ Rối loạn tâm thần: là hậu quả của việc sử dụng thuốc điều trị Parkinson
6. Cận lâm sàng
Cân lâm sàng: xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm huyết thanh ( T3, T4 ), điện não đồ, điện cơ đồ, chụp CT, chụp MRI…
- Phân tích dịch não tuỷ thường thì bình thường theo tuổi.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng chỉ được chỉ định nếu cần thiết để loại bỏ những chỉ tình trạng khác (như huyết thanh chẩn đoán giang mai, ceruloplasmin huyết thanh, xét nghiệm chuyển hoá, độc chất,…)
Hình ảnh học
- Hình ảnh thần kinh với MRI
- Thường bình thường theo tuổi và không cần thiết để làm chẩn đoán
- Được dùng để loại trừ vai trò các rối loạn như là não nước áp lực bình thường, bệnh về mạch máu, hay các tổn thương choán chỗ
- Chụp cắt lớp phóng xạ điện tử dương
- Có thể giảm chuyển hoá dopamin ở thể vân
- Có thể giúp ích trong việc xác định các thể không điển hình nghi ngờ
7. Tây y điều trị bệnh Parkinson
Có 3 phương pháp điều trị bệnh Parkinson:
– Điều trị tập thể dục, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
– Điều trị nội khoa: dùng các thuốc để điều trị.
Có 3 nhóm thuốc:
- 1. Thuốc đồng vận Dopamin.
- 2. Thuốc ức chế Cholinergic.
- 3. Nhóm thuốc thay thế Dopamin (Levodopa).
- Ngoài ra còn 1 số thuốc khác thuộc nhóm bảo vệ và dinh dưỡng tế bào thần kinh như Glutathion, vitamin E, Cerebrolyzin,… nhưng các thuốc này không đặc trưng cho bệnh Parkinson mà chỉ có tác dụng chống gốc tự do và hỗ trợ dinh dưỡng tế bào thần kinh.
– Điều trị ngoại khoa: dùng phương pháp phẫu thuật để điều trị, ví dụ: phẫu thuật mở nắp sọ phá hủy cấu trúc vùng đích (mở bèo nhạt, mở đồi thị), kích thích não sâu, phẫu thuật bằng tia gamma, phẫu thuật cấy ghép tế bào.
Hiện tại các phương pháp điều trị bệnh Parkinson cho đến nay giúp giảm triệu chứng chứ không thể ngăn chặn tiến triển của bệnh.
|